Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

 
         Câu hỏi "Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp - anh là ai ?" có vẻ như rất dễ trả lời. Điều 140 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Khoản 4 điều 141 Bộ Luật này quy định: Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với tư cách người đại diện theo pháp luật, họ có quyền nhân danh doanh nghiệp xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của doanh nghiệp. 
         Trong thực tế, người ta vẫn hiểu là người đại diện theo pháp luật có quyền đại diện đương nhiên cho doanh nghiệp về cả đối nội lẫn đối ngoại. Về đối ngoại, Người đại diện theo pháp luật được quyền ký kết hợp đồng, thỏa thuận, thực hiện các giao dịch .v.v. Về đối nội, người đại diện theo pháp luật quyết định các vấn đề quan trọng như việc tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh, tổ chức nhân sự, quản lý, sử dụng tài khoản, con dấu của doanh nghiệp ... 


          Trong nhiều trường hợp, có tình trạng người đại diện theo pháp luật không làm hết, làm tròn bổn phận của mình, ngược lại thì là tình trạng lạm quyền ...tất cả đều dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp, doanh nghiệp bị vi phạm pháp luật hoặc phát sinh các tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp .v.v. Chính vì vậy việc xác định rõ địa vị pháp lý của Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là điều hết sức hệ trọng và việc trả lời thấu đáo câu hỏi "Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp - anh là ai ?" tưởng dễ mà hóa không dễ một chút nào !
          Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 (đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Doanh nghiệp 2005) quy định: Giám đốc - đối với công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị (hoặc Tổng Giám đốc - đối với công ty nhà nước có Hội đồng quản trị) là người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp.
          Luật Doanh nghiệp 2005 (áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, có hiệu lực từ 01/7/2006) không có quy định nào cụ thể hơn về người đại diện theo pháp luật mà chỉ xác định ai là người đại diện trong doanh nghiệp đối với từng loại hình doanh nghiệp, cụ thể như sau: 

Stt
Loại hình
doanh nghiệp
Chức danh người đại diện theo pháp luật
Ghi chú
1
Doanh nghiệp tư nhân
Chủ doanh nghiệp
Chủ doanh nghiệp có thể thuê người khác làm giám đốc nhưng người đại diện theo PL thì luôn luôn là Chủ doanh nghiệp
2
Công ty hợp danh
Thành viên hợp danh
Trong điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty. Khi một số hoặc tất cả thành viên hợp danh cùng thực hiện một số công việc kinh doanh thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số.
3

Công ty TNHH một thành viên
(Có thể là một trong 2 trường hợp như cột bên cạnh diễn giải) *
Chủ tịch HĐTV (nếu mô hình tổ chức công ty là HĐTV, Giám đốc (Tổng Giám đốc) và Kiểm soát viên)



Giám đốc (Tổng GĐ) có thể chính là chủ sở hữu (trường hợp công ty TNHH 1 TV chủ sở hữu là cá nhân), cũng có thể là người được chủ sở hữu thuê làm Giám đốc, Người đại diện theo Pháp luật
Chủ tịch Công ty nếu mô hình công ty là Chủ tịch Công ty, Giám đốc (Tổng GĐ) và kiểm soát viên
Giám đốc (Tổng GĐ), áp dụng được với cả hai mô hình trên
4
Công ty TNHH có 2 TV trở lên
(Có thể là một trong 2 trường hợp như cột bên cạnh diễn giải) *

Chủ tịch HĐTV
1. Chủ tịch HĐTV đương nhiên phải là thành viên công ty.
2. Giám đốc (Tổng GĐ) có thể là thành viên công ty, cũng có thể là người được HĐTV thuê làm Giám đốc, Người đại diện theo Pháp luật
Giám đốc (Tổng GĐ)
5
Công ty cổ phần
(Có thể là một trong 2 trường hợp như cột bên cạnh diễn giải)*

Chủ tịch HĐQT
1. Chủ tịch HĐQT, Giám đốc (Tổng GĐ) có thể là cổ đông công ty, cũng có thể là người được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT thuê làm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Người đại diện theo Pháp luật
2. Giám đốc, Tổng Giám đốc công ty cổ phần không được đồng thời làm Giám đốc, Tổng Giám đốc công ty khác
Giám đốc (Tổng GĐ)
         * Về chức danh thì chỉ chọn 1 chức danh để đại diện (Ví dụ chọn chức danh Giám đốc là chức danh đại diện theo pháp luật), về con người thì một người có thể kiêm nhiều chức danh như Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty hoặc không kiêm nhiệm.  
         Trong một số trường hợp, việc đại điện theo pháp luật lại được hiểu chưa đúng .v.v. dẫn đến nhiều phát sinh, rắc rối không đáng có. Đơn cử như: một Hợp đồng do một Công ty A thực hiện được thông qua người đại điện theo Pháp luật – Giám đốc tên là B ký kết, Hợp đồng này hợp lệ theo quy định của Pháp luật, tuy vậy sau này B được thay bởi C, sau đó C (thậm chí là Công ty A) tuyên bố không chịu trách nhiệm với các Hợp đồng do B ký ? Ở đây có sự lẫn lộn về nghĩa vụ của Pháp nhân với nghĩa vụ người đại điện: B chỉ là người đại diện theo pháp luật cho Công ty A khi ký hợp đồng, khi hợp đồng này được ký đúng luật thì dù B là người đại diện hay thay bằng C hay D .v.v. thì hợp đồng vẫn luôn có hiệu lực, Công ty A luôn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng đó, còn B hay C là những người đại diện theo pháp luật cho công ty để ký, triển khai thực hiện ... hợp đồng đó mà thôi. Hoặc cũng có nhiều trường hợp - nhất là các hợp đồng mẫu “mặc định” cho rằng người đại diện theo Pháp luật của Công ty phải và luôn là Giám đốc nên một số biểu mẫu ghi luôn là Người đại diện theo pháp luật – Giám đốc công ty, mà đã ghi như vậy thì cứ phải Giám đốc ký mới được, trong khi Người đại diện theo pháp luật của Công ty lại là Chủ tịch HĐQT .v.v. Lại cũng có trường hợp, người diện theo pháp luật của doanh nghiệp sau khi được trao quyền, giữ con dấu, là chủ tài khoản ... cho rằng mình có toàn quyền quyết định mọi việc và không chịu hợp tác với (các) chủ sở hữu của doanh nghiệp .v.v. để điều hành doanh nghiệp theo đúng quy định ?
          Lời giải của những bài toán trên là gì ? Trên cơ sở của Pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp cần soạn thảo chi tiết, kỹ lưỡng các bản Điều lệ, Quy định, Quy chế ..., trong đó phân định rõ ràng quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của Người đại diện theo pháp luật, cách thức bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm và nhất là cơ chế giám sát, kiểm tra quyền lực tối quan trọng này, đồng thời đảm bảo các quy tắc đó được tôn trọng và thực thi nghiêm túc. Điều này càng cần thiết hơn khi Người đại diện theo Pháp luật được công ty thuê, không có vốn tại công ty hoặc có vốn rất ít. Thực tế cho thấy nhiều công ty có soạn thảo điều lệ, quy chế .v.v., ký tá đàng hoàng nhưng hầu như chẳng mấy khi ngó ngàng tới bản "hiến pháp" này của Công ty. Khi ký kết các hợp đồng, nhất là các hợp đồng có giá trị lớn, phạm vi rộng, thời gian thực hiện dài ..., cần nghiên cứu kỹ thêm các quy định của Doanh nghiệp (Doanh nghiệp mình và Doanh nghiệp đối tác .v.v.) để đảm bảo các hợp đồng được thực hiện trong thực tế, tránh nguy cơ bị tuyên vô hiệu hoặc không đủ các điều kiện để thực hiện hợp đồng .v.v. Khi thấy có các dấu hiệu sai phạm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, (các) chủ sở hữu của doanh nghiệp cần áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời nhằm tránh các tổn thất cũng như tranh chấp có thể phát sinh .v.v.
        Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2005 có lẽ cũng cần bổ sung điều khoản quy định rõ về người đại diện theo pháp luật, thay vì chỉ xác định ai là người đại diện và tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc .v.v. như hiện nay. Theo cách tiếp cận khác, luật công ty tại nhiều nước không có chức danh người đại diện theo pháp luật như của Việt Nam. Quyền hạn và trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật được trao cho một ban giám đốc hoặc ban quản trị, trong đó từng giám đốc có quyền đại diện cho công ty về những vấn đề trong phạm vi quyền hạn của họ. Vì thế khi làm việc với các Công ty nước ngoài, ta thường thấy họ giới thiệu nhiều chức danh Giám đốc (CEO) như Giám đốc Tài chính, Giám đốc nhân sự, Giám đốc Marketing, Giám đốc bán hàng .v.v. Quy định như vậy có vẻ vừa sức hơn, đủ điều kiện để các Giám đốc thi thố tài năng cũng như giám sát họ cũng dễ dàng hơn, không bị lệ thuộc quá nhiều vào một người .v.v.
        Hiểu rõ, đúng để thực hiện nghiêm túc về Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là đòi hỏi tối quan trọng đối với: 1) Các chủ sở hữu công ty (Chủ Công ty TNHH 1 TV, thành viên công ty TNHH 2 TV trở lên, Cổ đông công ty cổ phần .v.v.) 2) Chính người được cử là Người đại diện theo pháp luật của công ty 3) Các tổ chức, cá nhân liên quan đến Công ty ./.

Nguồn: LÊ XUÂN HIỀN
                                                                             Trưởng phòng ĐKKD tỉnh Hải Dương

1 nhận xét:

  1. Toyota An Thành nhận đặt xe Toyota Corolla Altis phiên bản năm 2014 tại TPHCM. Vui lòng xem tại đây để biết thêm chi tiết: Toyota Corolla Altis 2014 Giá Bao Nhiêu

    Trả lờiXóa